Truyền thống 83 năm của Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2013)

Suốt 83 năm qua, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua bao gian nan thử thách, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, của sự nghiệp đổi mới có hiệu quả và đúng hướng…
Năm 1858, thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên ở Đà Nẵng, mở đầu quá trình xâm lược để biến nước ta thành thuộc địa. Ngay từ những ngày đó, nhân dân ta với ý chí quật cường và lòng yêu nước nồng nàn đã liên tiếp vùng dậy, hình thành nhiều phong trào yêu nước và nhiều tổ chức chính trị, dấy lên hàng trăm cuộc khởi nghĩa vũ trang từ Nam đến Bắc. Các phong trào cứu nước và các cuộc khởi nghĩa vũ trang ấy, dù tràn đầy nhiệt huyết yêu nước, đức hy sinh cao cả, với nhiều tấm gương oanh liệt, nhưng đều thất bại do thiếu đường lối đúng đắn. Nước ta đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.

Trong bối cảnh ấy, năm 1911, mới hơn 20 tuổi, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Với lòng yêu nước nồng nàn, tầm nhìn xa trông rộng và trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, Người đã phân tích các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, nhận ra nguyên nhân thất bại của các phong trào cứu nước ở Việt Nam, dẫn đến cuộc gặp gỡ lịch sử giữa tư tưởng yêu nước của Nguyễn Ái Quốc với Chủ nghĩa Mác – Lênin vào năm 1920, khi Người đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin. Người đã tiếp thu được bản chất cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác – Lênin – đỉnh cao trí tuệ của nhân loại và đưa ra kết luận: “Muốn cứu nước, cứu nhà không còn con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản”. Kết luận lịch sử này đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc trong quỹ đạo của cách mạng xã hội chủ nghĩa; đặt sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người của dân tộc ta vào dòng chảy của thời đại mới. Người đi tới sự lựa chọn duy nhất đúng đắn về con đường cứu nước, cứu dân – con đường gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Nhà yêu nước lớn Phan Bội Châu đã đánh giá sự kiện Nguyễn Ái Quốc truyền bá tư tưởng gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội vào Việt Nam như “Thình lình đang giữa khi khói đục, mây mù, có trận gió xuân thổi tới; thình lình đang giữa lúc trời khuya, đất ngủ, có tia thái dương mọc lên. Trận gió xuân ấy, tia thái dương ấy chính là chủ nghĩa xã hội vậy”.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho rằng: “Muốn cách mạng thành công trước hết phải có Đảng cách mạng, ở trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.
 
Người còn chỉ rõ: cách mạng ở các nước thuộc địa không nhất thiết phụ thuộc vào cách mạng ở chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc và tạo điều kiện cho cách mạng chính quốc phát triển, lấy sức ta mà giải phóng cho ta. Người phát triển sáng tạo nguyên lý về Đảng Cộng sản của các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác – Lênin, truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin, thành lập tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên, đào tạo một đội ngũ cán bộ cốt cán đưa về nước lãnh đạo phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Từ phong trào này ba tổ chức cộng sản đã hình thành: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn.
 
Nhận thức sâu sắc sự cần thiết và tầm quan trọng của một tổ chức thống nhất, có đường lối đúng đắn để lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước, ngày 3-2-1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập đại biểu của ba tổ chức cộng sản để họp Hội nghị hợp nhất và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu một mốc son lịch sử trong sự nghiệp của Đảng ta, dân tộc ta.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp Chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, kết hợp giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và thời đại, chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng; là bước ngoặt quyết định của cách mạng Việt Nam. Từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam thông qua Đảng tiên phong của mình bước lên vũ đài chính trị, thực hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang: lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Ngay từ khi ra đời, Đảng đã bắt rễ sâu trong lòng dân tộc, đồng hành cùng dân tộc.
 
Trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, được Hội nghị thành lập Đảng thông qua và Luận cương chính trị 1930, Đảng ta đã xác định con đường đi lên của cách mạng Việt Nam là đánh đổ đế quốc, phong kiến, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, lấy công nông làm lực lượng chính của cách mạng, làm cơ sở cho việc thành lập Mặt trận thống nhất phản đế, đoàn kết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, dùng bạo lực và phương pháp cách mạng thích hợp để giành chính quyền.
 
Với đường lối cách mạng đúng đắn ấy, ngay từ khi mới ra đời, dù mới có 40 chi bộ và 565 đảng viên, Đảng ta đã tuyên truyền, vận động, tổ chức và lãnh đạo quần chúng dấy lên phong trào cách mạng rộng khắp cả nước mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Cao trào cách mạng 1930 – 1931 đã khẳng định trong thực tế vai trò lãnh đạo của Đảng, đội tiền phong của giai cấp công nhân nước ta đối với cách mạng Việt Nam, đồng thời thể hiện sức mạnh vĩ đại, lực lượng cách mạng to lớn của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và toàn thể dân tộc Việt Nam.
Hoảng sợ trước sự phát triển mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng do Đảng lãnh đạo, thực dân Pháp điên cuồng khủng bố. Hàng ngàn chiến sĩ cách mạng và quần chúng ưu tú của Đảng đã anh dũng hy sinh trong các cuộc đấu tranh và trong nhà tù đế quốc. Cách mạng bị tổn thất lớn, nhưng Đảng ta vẫn kiên cường củng cố lực lượng, phát triển tổ chức và tiếp tục lãnh đạo nhân dân dấy lên cao trào Mặt trận dân chủ Đông Dương 1936 – 1939, gắn cách mạng nước ta với phong trào nhân dân thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân, đòi tự do, cơm áo, hòa bình. Trong cao trào này, Đảng ta đã động viên và giáo dục chính trị sâu rộng, sử dụng thành công nhiều hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh phong phú, kết hợp chặt chẽ hoạt động bí mật với hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp, lôi cuốn hàng triệu người thuộc các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến nông thôn đấu tranh ở mọi nơi, phối hợp với đấu tranh trong nghị viện.
 
Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng. Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám lịch sử do Người chủ trì đã đưa ra nhận định hết sức quan trọng về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Hội nghị đã quyết định chuyển hướng chiến lược, thành lập Mặt trận Việt minh, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Một cao trào cứu nước được phát động, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh đánh đuổi phát xít Nhật, thực dân Pháp. Đảng lãnh đạo xây dựng các căn cứ địa cách mạng ở nhiều vùng, xây dựng lực lượng vũ trang, tổ chức và tập dượt quần chúng nổi dậy; vừa tiến hành chiến tranh du kích, khởi nghĩa từng phần ở nông thôn, vừa xây dựng lực lượng chính trị quần chúng và đấu tranh chính trị ở cả nông thôn và thành thị. Với sự lãnh đạo kiên quyết và nhạy bén, Đảng ta đã kịp thời nắm bắt thời cơ, phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
 
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi điển hình của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, lần đầu tiên thắng lợi ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá, với thắng lợi vĩ đại này, “chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
 
Ngay sau khi ra đời, Nhà nước ta đã phải đương đầu với thù trong, giặc ngoài; cùng lúc phải đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Đảng ta – đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh – đã lãnh đạo nhân dân kiên quyết chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, đồng thời vận dụng khôn khéo sách lược phân hóa, loại bỏ từng kẻ thù, tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng, chuẩn bị cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên đánh giặc, cứu nước, càng đánh càng mạnh, cuối cùng đi đến chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ.
 
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Hiệp nghị Giơnevơ 1954 đã mở đường đưa miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ trên đất nước ta. Nhưng ngay sau đó, cách mạng Việt Nam lại phải đương đầu với đế quốc Mỹ xâm lược. Trong tình thế cực kỳ nghiêm trọng của đất nước và bối cảnh quốc tế phức tạp, Đảng ta đã tỏ rõ bản lĩnh vững vàng, kiên định, độc lập tự chủ quyết định đường lối tiến hành đồng thời cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, hình thành mối quan hệ hợp đồng chiến đấu giữa tiền tuyến lớn miền Nam và hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, gắn cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta với cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới, tranh thủ sự đoàn kết, ủng hộ quốc tế ngày càng rộng lớn, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đánh giá thắng lợi này, Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng năm 1976 đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời của sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Lịch sử 30 năm tiến hành hai cuộc kháng chiến oanh liệt, đánh thắng hai đế quốc hùng mạnh nhất, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã khẳng định: Một dân tộc có sự lãnh đạo của một chính đảng lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, có đường lối đúng đắn, có sách lược khôn khéo, phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh của truyền thống và hiện đại, sức mạnh dân tộc và thời đại, tập hợp trên thực tế mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ, giúp đỡ thì hoàn toàn có thể đánh bại mọi thế lực đế quốc xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Ôn lại chặng đường 83 năm lịch sử vẻ vang của Đảng và của cách mạng Việt Nam, chúng ta vô cùng tự hào về những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, về sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của đất nước ta. Với những thắng lợi giành được của cách mạng kể từ ngày có Đảng, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng được nâng cao ở khu vực và trên thế giới… Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
 
Chúng ta tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, trung thành vô hạn với giai cấp và dân tộc, kiên định, vững vàng trước mọi thách thức hiểm nghèo, sáng suốt lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta tiến lên. Đúng như lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng: với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng Đảng ta thật là vĩ đại.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, cũng có lúc Đảng mắc phải những sai lầm, khuyết điểm. Có những việc nhân dân đòi hỏi Đảng phải làm nhiều hơn, tốt hơn. Nhưng sự lớn lao của Đảng ta không chỉ thể hiện ở những cống hiến có tính lịch sử trong suốt 83 năm qua mà còn ở chỗ Đảng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, trân trọng, lắng nghe sự phê bình, góp ý của nhân dân, kiên quyết sửa chữa các sai lầm, khuyết điểm để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.
Chúng ta tự hào về dân tộc ta, nhân dân ta anh hùng, người đã có công sinh thành và dưỡng dục Đảng ta, một lòng đi theo Đảng trong suốt những chặng đường dài của cách mạng. Trí tuệ và sức mạnh của Đảng bắt nguồn trước hết và quan trọng nhất là từ trí tuệ và sức mạnh của dân tộc ta, nhân dân ta, từ truyền thống yêu nước và văn hoá, từ những sáng kiến và sáng tạo trong chiến đấu và xây dựng, từ sự ủng hộ hết mình, sự cưu mang, đùm bọc, chở che cho cán bộ, đảng viên, nhất là trong những lúc hiểm nguy.

Suốt 83 năm qua, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua bao gian nan thử thách, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, của sự nghiệp đổi mới có hiệu quả và đúng hướng…

(Trích lược từ Diễn văn của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 2005) – Nguồn: http://dangcongsan.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *